BÀI 8: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)
Học xong bài này, em sẽ: Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, các giai đoạn phát triển chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nêu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phân tích được ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phân tích được ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trân trọng, tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.
1. Bối
cảnh lịch sử
👉Tìm hiểu thông tin, hình ảnh về "Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải" thông qua môi trường thực tế ảo tăng cường (AR) theo
link (đang trong quá trình số hóa bổ sung)
A. Giới
thiệu khái quát về di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Di
tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và
huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những minh
chứng lịch sử - nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc cùng với
các sự kiện lịch sử gắn bó với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống
nhất đất nước của dân ta.
Trục
chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là
chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài
“Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Một số các di tích thành phần tiêu biểu nơi
đây như khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến,...
Để tham quan di tích lịch sử Đôi
bờ Hiền Lương – Bến Hải mời nhấn vào đường link dưới đây:
B. Những di tích thành phần tiêu
biểu trong di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
1. Khu
vực đôi bờ cầu Hiền Lương
* Cầu
Hiền Lương: từ cuối năm 1954 đến khi bị bom Mỹ
đánh sập (năm 1967), cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” của sự chia cắt
Bắc - Nam và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc. Để bảo tồn một
chứng tích lịch sử, cầu Hiền Lương đã được phục dựng theo thiết kế chiếc cầu
sắt do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu
thông là 3,20m. Công trình này được khởi công năm 2001, khánh thành năm 2008.
Câu hỏi:
1. Nêu giá trị lịch sử của Cầu Hiền Lương
2. Viết 1 đoạn văn ngắn giới thiệu về những hiểu biết của bản thân
về lịch sử, kiến trúc của Cầu Hiền Lương
* Nhà Liên hợp: kiến trúc nhà hiện nay được xây theo nguyên mẫu của Nhà Liên hợp
trước đây, kiểu nhà sàn 4 mái, mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A. Không gian nội
thất chia thành ba phân khu, trong đó, khu chính giữa là bốn gian liên thông.
Đây là phòng họp giao ban của Nhà Liên hợp cũ, nội thất của Nhà trưng bày tái
hiện lại một cuộc họp giao ban giữa Ủy ban Liên hợp hai miền Bắc - Nam có sự
giám sát của Tổ Quốc tế 76.
Câu hỏi:
1. Nêu ý nghĩa lịch sử của Nhà Liên hợp
2. Theo em, Nhà Liên hợp có gì đặc biệt mà em ấn tượng nhất? Vì
sao?
* Cột cờ Hiền Lương (Kỳ đài Hiền Lương): gồm phần đài và cột cờ. Phần đài
là tổng thể khối kiến trúc được xây cao hơn so với mặt bằng của di tích. Cột cờ
có tổng chiều cao 28,00m, được làm bằng 6 đoạn thép ống, liên kết với nhau.
Trên thân cột cờ (từ chân đến đỉnh cột) có gắn các thanh thép, hình chữ nhật để
làm thang. Khi treo cờ, người treo còn dùng hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ
phận tời.
Câu hỏi:
1. Nêu giá trị lịch sử của cột cờ Hiền Lương cho đến ngày nay
2. Đồn Công an Cửa Tùng
Hiện nay, địa điểm Đồn Công an Cửa
Tùng thuộc doanh trại Đồn Biên phòng 204. Ngoài chức năng dùng để làm việc, lưu
trú, công trình còn phục vụ cho mục đích an ninh quốc gia. Tầng dưới của khu
nhà hai tầng được dành một phần để làm Nhà truyền thống của Đồn, trưng bày 92
ảnh tư liệu, 60 hiện vật liên quan trực tiếp đến lịch sử đấu tranh cách mạng
của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng, các đồn, trạm dọc theo bờ Bắc sông
Bến Hải và Đồn Biên phòng 204 từ năm 1954.
Câu hỏi: Nêu giá trị lịch sử của
Đồn Công an Cửa tùng
2. Các
giai đoạn phát triển chính
Để dạy
mục này chúng ta dùng di tích: Khu di tích Đồng Khởi – Bến Tre, Dinh Độc Lập,
bảo tàng chứng tích chiến tranh
A. Khu
di tích Đồng Khởi – Bến Tre
Di
tích Đồng Khởi Bến Tre thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, nơi
diễn ra sự kiện lịch sử Đồng Khởi Bến Tre, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi của
cách mạng miền Nam Việt Nam.
Để
biết thêm về quần thể nơi đây, xin mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham
gia không gian số Di tích Đồng Khởi dưới đây:
https://vr360.com.vn/projects/di-tich-quoc-gia-dac-biet-dong-khoi-ben-tre/
* Giới thiệu vài nét sơ lược về
phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre
Tháng 5/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị
lần thứ 15 kiểm điểm tình hình trong nước và đề ra đường lối cách mạng của cả
nước và của miền Nam, xác định nhiệm vụ cơ bản: Giải phóng miền Nam khỏi ách
thống trị của đế quốc, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn
thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới xây dựng một nước
Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đầu tháng
12/1959, Khu ủy Khu 8 triệu tập Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Đường (Sáu
Đường) - Bí thư Khu ủy chủ trì với sự tham dự đông đủ của đại biểu các tỉnh.
Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức
cuộc họp triển khai Nghị quyết 15 tại Cù lao Minh, thảo luận và nhận định về
tình hình giữa ta và địch. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bến Tre đã chọn 3 xã Định
Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam) làm
căn cứ chỉ đạo và là nơi bắt đầu Đồng Khởi.
Vào 11 giờ trưa ngày 12/01/1960, tại xã Định Thủy, Chi bộ
xã họp triển khai Nghị quyết 15, bàn bạc kế hoạch và nhất trí phát động phong
trào Đồng Khởi, nổi dậy và tiến công địch. Mở đầu phong trào, sáng ngày
17/01/1960, lực lượng cách mạng bắt và xử tử Đội Tý - chỉ huy Tổng đoàn dân vệ,
khét tiếng ác ôn. Tiếp đó, lực lượng cách mạng cùng quần chúng nhân dân, bao
vây đình Rắn - nơi đóng quân của Tổng đoàn dân vệ và bao vây đánh chiếm đồn Vàm
Nước. Lực lượng của ta chiếm được đồn và làm chủ tình hình, quân ta thu được 15
súng, 10 lựu đạn và 1000 viên đạn các loại, giải phóng toàn bộ tề xã, tề ấp ở
Định Thủy, bọn tề ngụy và binh lính trong đồn tan rã,.
Theo đó, quân và dân ta đã công phá 20 đồn bốt, thu hàng
trăm súng. Sáng ngày 19/01/1960, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh ra mắt đồng
bào tại xã Bình Khánh, sau đó phát triển thành hai đơn vị lấy phiên hiệu là 264
và 269 hoạt động ở Cù lao Bảo và Cù lao Minh. Từ Bến Tre, phong trào Đồng Khởi
nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đêm 24, rạng ngày
25/01/1960, nhiều vùng nông thôn đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải tán tề xã,
tề ấp, giành quyền làm chủ. Cho đến giữa năm 1960, ngọn lửa Đồng Khởi tiếp tục
lan sang các tỉnh Tây Nguyên, làm thành cuộc khởi nghĩa dây chuyền sôi động
khắp các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên.
* Những
di tích thành phần tiêu biểu trong di tích Đồng Khởi – Bến Tre
Cụm
di tích Đồng Khởi Bến Tre ngày nay, gồm có: Nhà Truyền thống Đồng Khởi và đình
Rắn.
* Nhà Truyền thống Đồng Khởi: được xây dựng năm 2001, có
tổng diện tích 5.029,3m2, gồm các hạng mục chính: nhà đón tiếp, bia chiến thắng
và nhà truyền thống. Nhà đón tiếp xây dựng bằng bê tông cốt
thép, nền lát gạch men màu hồng, mái lợp ngói màu đỏ. Ngôi nhà có ba cửa ra vào
cao 2,5m, rộng 1,2m bằng khung sắt sơn màu xám, lộng kính, cửa chính quay về
hướng Đông, hai cửa phụ quay về hướng Nam.
Bia chiến thắng được xây dựng phía bên phải của khu di
tích, cách nhà truyền thống 44m, bệ văn bia cao 1,05m gồm bảy bậc tròn đồng tâm
ốp đá mài màu xanh lam. Bia chiến thắng là một khối đá granite hình dáng tự
nhiên cao 3,2m. Mặt trước quay về hướng Nam được chạm khắc tám chữ vàng “Anh
dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”. Mặt sau bia khắc nội dung “Ngọn lửa thần
kỳ” do tỉnh Bến Tre phát động cuộc thi viết văn bia ca ngợi Đồng Khởi năm 1960,
và được khắc trên bia nhân kỷ niệm 45 năm ngày Đồng Khởi Bến Tre.
Nhà Truyền thống có tầng trệt và một tầng lầu, cao 24m, dài
24,5m, rộng 26m. Trên nóc là biểu tượng ngọn đuốc Đồng Khởi cao 12m, đường kính
4,5m gồm có 3 cánh tượng trưng cho sự tấn công địch bằng 3 mũi giáp công: chính
trị, binh vận, võ trang và sự nổi dậy của nhân dân 3 dải cù lao. Tầng trệt có
diện tích sử dụng 196m2. Bên trong của tầng trệt trưng bày hình ảnh, tư liệu và
hiện vật của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Bến Tre từ tháng
7/1954 đến cuối năm 1959. Tầng lầu trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật
trong phong trào Đồng Khởi. Nơi sảnh giữa có một bức tường cách điệu đắp nổi
dòng chữ “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”, bên cạnh là sa bàn thể hiện
phong trào Đồng Khởi Bến Tre.
* Đình Rắn: còn được gọi là đình Định
Nhơn, nằm cách Nhà Truyền thống 500m về hướng Đông Bắc. Đình được xây dựng vào
năm 1878 thờ thần Thành hoàng bản cảnh nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió
hòa. Sau các cuộc chiến tranh, đình Rắn bị tàn phá nặng nề nên đã được trùng
tu, tôn tạo nhiều lần trên đất cũ. Vào năm 1917, nhân dân địa phương đã dựng
lại 3 căn đình chính bằng cột gỗ, mái ngói. Tháng 4/1980, Ban khánh tiết đình
vận động tu sửa còn lại một căn đình chính bằng cây lá đơn sơ. Đến năm 2005,
tỉnh Bến Tre trùng tu, phục dựng lại ngôi đình theo hiện trạng ngày nay. Đình
có chiều ngang 11m, chiều dài 25m kết cấu gồm 3 gian nối tiếp nhau bao gồm gian
võ ca, nhà thính và gian chánh điện. Đình được xây dựng gồm 66 cột bê tông sơn
màu nâu đỏ, các vì kèo cũng bằng chất liệu bê tông, sàn mái được đổ bê tông,
phía trên lợp ngói vảy cá; nền lát gạch tàu, diềm mái uốn cong trang trí đắp
nổi hình rồng cách điệu. Bao quanh ngôi đình là dãy lan can cao 74cm trang trí
các ô hộc bằng sành sứ. Có 4 lối lên xuống ngôi đình gồm 2 lối nơi nhà võ ca và
2 lối nơi nhà thính. Mỗi lối lên xuống là bậc tam cấp rộng 1,5m lát đá mài màu
vàng kem.
Nhà
võ ca có 3 gian, hệ thống cột kèo bằng bê tông, là nơi rộng rãi, thoáng mát,
dùng để hội họp nhân dân trong các kì cúng đình.
Nhà
thính nằm sau nhà võ ca, cũng có ba gian nhưng kích thước nhỏ hơn, các cột, vì
kèo bằng bê tông, nơi đặt bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, phía trước bàn thờ có
cặp hạc màu trắng bằng chất liệu xi măng.
Gian
chính điện nối tiếp phía sau nhà thính bằng ba cửa ra vào, tương ứng với ba
gian của chính điện. Cửa ra vào bằng chất liệu gỗ được thiết kế theo kiểu
thượng song hạ bản. Nội thánh gian chính điện gồm ba gian thờ, gian giữa thờ
Thần, hai bên là Tả/Hữu ban, kế đến là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hương án
thờ Thần chạm nổi lưỡng long tranh châu, hoa văn hoa lá; phía trên là bộ lư,
cặp chân đèn, chuông bằng đồng thau, chò gỗ, bình hoa bằng sành. Linh vị thờ
Thần chạm khắc Hán tự 神 (Thần) và câu liễn đối, bao quanh được trang trí chạm khắc
hoa văn hoa lá, dây nho…, sơn son thếp vàng. Gian chính điện có ba bức hoành
phi tương ứng với ba gian của ngôi đình.
Tại
di tích hiện nay còn lưu giữ và trưng bày phục vụ khách tham quan 46 hiện vật,
nhóm hiện vật trong phong trào Đồng Khởi.
Trong quá trình tham quan tìm
hiểu các em hãy trả lời các câu hỏi sau:
1. Hãy cho biết điều mà em ấn tượng trong
không gian khu di tích Đồng Khởi
2. Đánh giá về vai trò, ý nghĩa lịch sử
của di tích.
B. Dinh
Độc Lập
1. Vài
nét sơ lược
Khu di tích Dinh Độc Lập nằm
ở số
135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường
Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự
kiện lịch sử, thăng trầm của đất nước, đặc biệt là sự kiện Giải phóng miền Nam
thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lấy tên của một dinh thự (một
tòa nhà) được chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng từ trước năm 1975, Dinh
Độc Lập còn được biết đến với các tên gọi khác nhau qua thời gian như Dinh
Norodom (năm 1871), Dinh Thống đốc Nam Kỳ (Từ năm 1871 đến 1887), Dinh Toàn
Quyền (Thời kỳ từ năm 1887 đến 1945), Dinh Độc Lập (năm 1955, Ngô Đình Diệm đổi
tên và được sử dụng cho đến ngày nay).
Để tham quan mời quý thầy cô
và các em học sinh truy cập vào link dưới đây:
2. Những di tích thành phần tiêu biểu trong di tích lịch sử Dinh
Độc Lập
a. Khu cố định bên trong Dinh Độc Lập
Khu vực cố định là nơi làm việc, sinh hoạt của chính quyền
xưa. Các phòng trong Dinh Độc Lập như: phòng, khánh tiết, đại yến, các nội, hội
đồng an ninh, phòng làm việc của tổng thống và các quan chức chính phủ… ngoài
ra còn có khu phòng ngủ, khu sinh hoạt, khu giải trí…
b. Khu chuyên đề
Đây là nơi trưng bàu các cuộc
triển lãm. Nội dung chủ yếu là những bức ảnh của các thời kỳ lịch sử liên quan
của Dinh Độc Lập các thời kì trước.
c. Khu bổ sung trong Dinh Độc Lập
Khu bổ sung trưng bày, lưu giữ
rất nhiều tấm ảnh mang giá trị lịch sử. Chúng được rày công sưu tầm và gìn giữ
nhằm giúp thế hệ con cháu sau này hiểu được 1 phần lịch sử. Ngoài tham quan các
khu chính, bãi cỏ phía ngoài Dinh Độc Lập cũng vô cùng sống động, bắt
mắt.
Trong quá trình tham quan tìm hiểu em hãy trả lời các câu hỏi
sau:
1. Em hãy nêu những điểm đặc biệt của kiến trúc Dinh Độc Lập?
2. Từ kiến trúc độc đáo, em hãy đánh giá vai trò, ý nghĩa lịch
sử của di tích Dinh Độc Lập.
C. Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Giới thiệu khái quát
về bảo tàng chứng tích chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích
Chiến tranh có tên tiếng Anh là War Remnants Museum, thuộc hệ thống Bảo tàng vì
hòa bình thế giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). Nơi đây sưu tầm,
lưu trữ, bảo quản, trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật để khắc họa lại hậu
quả tàn khốc của chiến tranh tại Việt Nam. Đồng thời bảo tàng cũng truyền tải
thông điệp về tinh thần chiến đấu, đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do dân tộc và
sự quý giá của hòa bình, tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Để biết thêm về bảo
tàng Chứng Tích Chiến Tranh, xin mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham
gia không gian số dưới đây: https://baotangchungtichchientranh.vn/chuyen-de-nhung-su-that-lich-su/2/
Vài nét sơ lược về
bảo tàng chứng tích chiến tranh
Ngày 31/8/1858 thực
dân Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đặt ách thống trị
thuộc địa lên đất nước Việt Nam. Trong gần 100 năm nhân dân Việt Nam đã anh
dũng tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho Tổ
quốc.
Ngày 2/9/1945, sau
thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập,
chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, khẳng định quyền độc lập tự do của nhân
dân Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành chiến
tranh xâm lược, âm mưu khôi phục ách thống trị và thiết lập chế độ thực dân
kiểu mới ở Việt Nam. Trong suốt 30 năm, nhân dân Việt Nam lại phải kiên cường
chiến đấu với biết bao hy sinh gian khổ để bảo vệ nền độc lập tự do của
mình.
Ngày 30/4/1975, cuộc
kháng chiến của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn: hòa bình, độc lập,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được khôi phục.
Để lưu lại những
chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế
lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn
khốc của cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 04/9/1975 Nhà Trưng bày tội ác Mỹ -
Ngụy được mở cửa phục vụ công chúng. Sau đó, Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy
được đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược (ngày 10/11/1990)
trước khi trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (ngày 4/7/1995).
B. Những cụm di tích tiêu biểu
Tầng
trệt của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trưng bày các hiện vật, tranh ảnh
chuyên đề: “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ” phản ánh lịch sử
giai đoạn 1954 - 1975. Chuyên đề này gồm có 100 bức ảnh và 145 loại tư liệu,
hiện vật tái hiện những cuộc mít tinh, biểu tình, các hội nghị và hội thảo của
nhân dân trên toàn thế giới để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và ủng
hộ nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền dân tộc. Khu vực bên ngoài tầng trệt bảo
tàng là nơi trưng bày những hiện vật có kích thước lớn được lưu giữ từ cuộc
chiến tranh khốc liệt. Tại đây, khách tham quan sẽ được khám phá chuyên đề:
“Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Bảo tàng đã xây dựng mô
hình mô phỏng lại nhà tù do Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng để giam cầm
những chiến sĩ cách mạng. Đứng trước những hình ảnh chân thực này, rất nhiều
khách tham quan cảm thấy xúc động bồi hồi. Chứng kiến những phương thức tra tấn
tàn nhẫn, chúng ta sẽ hiểu như thế nào là địa ngục trần gian.
Lầu
1 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trưng bày hai chuyên đề là “Tội ác chiến
tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc màu da cam”. Trong đó, chuyên đề “Tội ác
chiến tranh xâm lược” bao gồm 22 tài liệu, 243 hiện vật và 125 bức ảnh nêu bật
những tội ác trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và những hậu quả đau thương
mà nhân dân ta đã phải chịu.
Chuyên
đề “Hậu quả chất độc da cam” sẽ tập trung khắc họa sự tàn phá của chất độc da
cam. Qua đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những hệ lụy nặng nề mà loại chất diệt cỏ
này để gây ra cho đồng bào và đất nước ta.Ngoài ra, khu vực lầu 1 cũng cũng
mang đến cho khách tham quan cái nhìn chi tiết về cuộc thảm sát Mỹ Lai ở Sơn
Mỹ, Quảng Ngãi. Tại đây nổi tiếng nhất là tấm ảnh “Em bé Napalm” của phóng viên
Huỳnh Công Út (Nick Út).
Lầu
2 là khu vực trưng bày chuyên đề “Những sự thật lịch sử” với 66 bức ảnh, 20 tài
liệu và 153 hiện vật. Chuyên đề này gợi nhắc về những tội ác xâm lược của thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó là chuyên đề “Hồi niệm” gồm bộ sưu tập
những bức ảnh được chụp lại bởi các phóng viên đã mất khi tác nghiệp tại chiến
trường Đông Dương. Lầu 2 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng là nơi
trưng bày 2 chuyên đề “Việt Nam chiến tranh và hòa bình” và “Chất độc da cam
trong chiến tranh Việt Nam”. Những bức ảnh phóng sự đầy bi thương được chụp bởi
nhiếp ảnh gia Nhật Bản Ishikawa Bunyo và Goro Nakamura mang lại cho chúng ta
cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của đồng bào ta thời chiến cùng những hi sinh to
lớn để giành lại hòa bình.
Bên
cạnh các chuyên đề được trưng bày cố định thì Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
còn thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm, chương trình hội thảo, tọa đàm về
giáo dục. Một số buổi triển lãm nổi bật:
- Chương trình trưng
bày: Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại
- Chương trình triển
lãm: Tìm lại ký ức
- Chương trình triển
lãm: Hồi sinh những vùng đất chết
- Chương trình triển
lãm: Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình
- Chương trình triển
lãm lưu động: Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình
- Chương trình triển
lãm lưu động: Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh
- Chương trình triển
lãm lưu động: Biển đảo Việt Nam
Trong quá trình tham quan tìm hiểu các em hãy trả lời các
câu hỏi sau:
1. Hãy cho biết điều mà em ấn tượng trong không gian bảo
tàng Chứng Tích Chiến Tranh mà em vừa tham quan.
2. Các hiện vật trong bảo
tàng có gì đặc biệt liên quan tới bài học?
Nhận xét
Đăng nhận xét